trang chủ

Dec 9, 2012

TUYỆT CHIÊU TRONG VÕ THUẬT


Không ít người mới học võ rất tin tưởng vào các đòn đá tuyệt chiêu, mơ mộng rằng mình sẽ có một ngày có thể học được tuyệt chiêu nào đó để thành vô địch thiên hạ. Trên thực tế, bất cức một chiêu thức được gọi là “tuyệt chiêu” cũng đều có cách tương ứng để hóa giải, không có một “tuyệt chiêu” nào có thể chiến thắng tuyệt đối. Cho nên, trong “Thiếu Lâm quyền phổ” có viết: “chỉ có chiêu hay chứ không có tuyệt chiêu.” Nhưng phim ảnh võ thuật và tiểu thuyết võ hiệp đã hư cấu võ thuật thành huyền bí mê ly, khiến cho người ta khó nhận ra được bộ mặt thật của nó. Trong thời điểm gay cấn, có không ít cảnh nhân vật chính dùng “tuyệt chiêu “ để quyết định thắng bại, khiến cho người ta không phân biệt được hư thực, chân giả. Vậy thì, có người sẽ hỏi bạn chữ “tuyệt” trong “liên hoàn tuyệt cước” có ý nghĩa gì? Thật ra, “tuyệt cước” là loại cước pháp có độ khó cao mà quyết liệt, chứ không phải là loại cước pháp dẫn đến chiến thắng tuyệt đối. Bất cứ loại cước pháp cao siêu nào, nếu người học không hấp thu được, không tiêu hóa được, không dung hợp quán thông được, thì cũng chỉ là bàn chuyện đánh nhau trên giấy mà thôi. Sách này chuyên luận về cước pháp, đều thuộc loại cước pháp hay. Nếu như bạn có thể vận dụng đúng cách, ứng biến đúng lúc thì khi lâm chiến có thể dành quyền chủ động, khiến cho đòn chân của bạn trở thành xuất quỷ nhập thần cũng không phải là điều không thể được, đây là nói có “tuyệt chiêu” trong sự “không có tuyệt chiêu vậy”.


Gọi là “tuyệt chiêu” trong giao đấu thực tế là vì “quyền đả bất thức” (đánh mà không ai biết). Tức là những chiêu thức mà bạn sử dụng, đối phương chưa biết được sự lợi hại cũng như những sơ hở của nó. Vì vậy không thể đưa ra cách phòng thủ hữu hiệu đợt tấn công của bạn, mà cũng không thể đưa ra cách phản kích hữu hiệu đối với chiêu thức tấn công của bạn. Đối phương muốn phòng thủ cũng không xong, muốn phản kích cũng không được, cứ lúng túng mà lâm vào thế bị động. Trong các chiêu thức thuộc loại “quyền đả bất thức” này, có chiêu thức đánh lạc hướng đối phương, có chiêu thức tấn côn hiểm hóc, có chiêu thức vừa phòng thủ vừa phản kích, cũng có chiêu thức chủ động hoặc bị động ngã xuống đất để phản kích đối phương.
            Tóm lại, đối phương không biết được đòn thế của bạn, khiến cho bạn từ yếu thành mạnh, từ nguy hiểm thành an toàn, đều có thể gọi là “tuyệt chiêu”. Đương nhiên, đã được gọi là “tuyệt” thì động tác phải biến hóa khéo léo, ra đòn hiểm hóc, khiến đối phương bất ngờ, không thể phòng bị được. Đó cũng là những đặc điểm của “tuyệt chiêu”.
            Liên quan đến “tuyệt chiêu” còn có một thuyết nữa, người xưa gọi là phép “điểm huyệt bế khí”. Ở đây có dính dáng đến vấn đề võ đức, nếu sử dụng phép điểm huyệt bế khí bừa bãi thì trời đất không dung, người đời phỉ nhổ, pháp luật ngăn cấm. Thuật điểm huyệt bế khí trên thực tế là đánh vào những huyệt đạo thuộc hệ thống kinh lạc hay các bộ vị thuộc hệ thống thần kinh liên lạc với trung khu chỉ huy đại não, nặng thì mất mạng, nhẹ thì tê bại, ở mức độ vừa thì cũng có thể bị thương lục phủ ngũ tạng, hôn mê bất tỉnh. Thuật điểm huyệt bế khí là lối đánh bí truyền khá cao cấp, truy về nguồn gốc thì thuật này bắt đầu từ y học, được dùng vào múc đích nhân đạo. “Hoàng Đế Nội Kinh”, một quyển sách y học nổi tiếng thời cổ, cho rằng trên thì có thiên tượng, dưới thì có sống suối, giữa là chuyện con người, lấy ngũ hành lục khí nơi cơ thể con người phối hợp với âm dương của trời đất, lấy ngũ hành bốn mùa của trời đất ứng nghiệm vào các bộ vị trên cơ thể con người, thì có thể thấy được sự vi diệu. Điều này đã trải qua hơn hai ngàn năm mà không hề suy vi. Từ trong môn học tìm hiểu về con người để chửa bệnh, người học võ đã tìm ra được thuật điểm huyệt để đánh người.

            Thuật điểm huyệt bế khí đã trải qua một thời gian dài được các võ thuật gia không ngừng nghiên cứu và tích lũy kinh nghiệm, nội dung rất phong phú, trong đó gồm có: điểm huyệt (điểm vào huyệt), bế khí (làm cho khí bị bế tắt), phân cân (làm gân bị đứt), tiệt mạch (làm cho mạch bị nghẽn), thác cốt (làm sai khớp xương), chấn tạng (làm nội tạng bị chấn thương). Trong đó thuật phân cân, tiệt mạch, thác cốt thuộc về phạm vi môn cầm nã thủ, còn chấn tạng, điểm huyệt, bế khí là tinh túy của lối đánh điểm huyệt, trong đó lối điểm huyệt cách không là cao siêu nhất.
            Phàm những tuyệt chiêu có thể gọi là “tuyệt”, cũng đều có những cách kềm chế, bản thân nó cũng có tính hạn chế rất lớn. Thứ nhất là không thể luyện thành trong một hai năm, thứ hai là bị ước thúc bởi sức mạnh của lời thề (sức mạnh của lời thề là một loại sức mạnh tinh thần, là một sự thể hiện cao độ của năng lượng, không phải là mê tín, cũng không phải là thứ hư ảo nào đó, tất cả những thứ thuộc về năng lượng tinh thần đều có thể có được bằng phương pháp luyện tập tương ứng), điều thứ ba là không cách nào bạn có thể an nhiên sử dụng khi hoàn cảnh không cho phép. Bất cứ tuyệt chiêu nào, cũng chỉ có thể thực hiện trong một điều kiện nhất định nào đó.
            Đến đây bạn đã biết được trên đời này không có một tuyệt chiêu nào có thể đem lại chiến thắng tuyệt đối, bát cứ một chiêu thức nào cũng diều có chỗ sở trường và sở đoản của nó. Chỉ có tập luyện cho thật thuần thục kỹ thuật và trui rèn trong giao đấu thực tế, trải qua khảo nghiệm nhiều trường hợp, từ thuần thục mà sinh ra khéo léo, từ khéo léo mà đạt đến tinh hoa, khi đã đạt đến cảnh giới tinh hoa (tức chiêu thức đã được tiêu hóa và trở thành một với bản thân) thì chiêu nào cũng đều là “tuyệt”. Tập võ cũng như đi xe đạp, lúc mới tập đi xe đạp thì dù có đi đường bằng phẳng cũng sẽ bị té, đến khi thuần thục rồi thì sự điều khiển sẽ trở thành tự động, tâm vừa ghi nhận thông tin từ hoàn cảnh thì mọi hoạt động của cơ thể đều ứng theo, vì thế không còn bị ngã nữa. Tập võ cũng vậy, không thường giao đấu thì người giỏi võ cũng sẽ trở thành dở, vì nó cũng không như tập đi xe đạp vậy, lúc ra thực tế thì không hành động theo quyết định chủ quan được, mà về cơ bản là phải dựa vào kinh nghiệm thực tế đã tích lũy trong quá khứ. Trong các tình thế biến hóa phức tạp, bạn cần phải tùy cơ ứng biến. Một người đấu võ đã luyện đến cảnh giới tinh hoa thì mới có thể phát huy những chiêu thức mà mình tập luyện lúc bình thường thành những “tuyệt chiêu”. Nếu không, dù là một chiêu thức cao tuyệt đến đâu đi nữa, trong phản ứng của bạn nó cũng sẽ để lộ rất nhiều sơ hở (bạn cần chú ý thêm một điều là, thường thường, những chiêu thức cao tuyệt lại càng có nhiều sơ hở). Cho nên đối với tuyệt chiêu, một là bạn đừng quá sùng bái, hai là bạn phải khổ luyện. Luyện tập nhiều, giao đấu nhiều, thì bạn có thể biến cái bình thường thành kì tích. Trong giao đấu thực tế, bạn cần xác lập cho mình một lối đánh thói quen có đặc điểm phù hợp với mình, rồi lại luyện một vài chiêu lạ. Theo nguyên tắc “Binh bất yếm trá, kì chính tương sinh” (việc binh làm sao không có chuyện dối trá, phải lấy lối đánh bình thường và lối đánh đột ngột tương hổ cho nhau), luyện cho tới cảnh giới tinh hoa để hình thành những “tuyệt chiêu” của bản thân. Hư Hư thực thực, khiến cho đối phương không nhìn ra được chiêu số của bạn, bị bạn điều động và chi phối trong giao đấu thực tế. Khi làm được vậy thì bạn đã có tuyệt chiêu. Tuyệt chiêu vố là như thế! Đương nhiên kẻ mạnh còn có kẻ mạnh hơn, sau mỗi trận bạn phải tổng kết rút ra bài học từ phai phía, bao gồm cả việc lợi dụng kinh nghiệm của đối phương để không ngừng làm phong phú kinh nghiệm của mình, nâng cao trình độ giao đấu  thực tế của mình (bạn cần phải có vài lối đánh như thế), thì mới có thể duy trì trình độ “tuyệt”. Đó gọi là tuyệt chiêu mà không tuyệt, không tuyệt lại là tuyệt, tới lui phải trái, tránh né lạng lách, mọi động tác đều dung hội quán thông, tâm thái tự nhiên, không chút sơ sót, không chút miễn cưỡng, một chổ trên cơ thể mà động thì không chổ nào trên cơ thể là không động, một chổ phát kình thì không chổ nào là không phát kình, đạt tới cảnh giới tùy tâm ứng thủ một cách tự do thì mới là “tuyệt”.
            Khi thảo luận về tuyệt chiêu, bạn đừng quyên hai câu ngạn ngữ võ thuật: “lưỡng cường tương ngộ dũng giả thắng” (hai kẻ mạnh gặp nhau, ai can đảm hơn sẽ thắng), “nhất đảm, nhị lực,tam kỹ xảo” (nhất là can đảm, nhì là sức mạnh, ba là khéo léo). Sức mạnh và sự khéo léo đương nhiên là quan trọng, nhưng quạn trong hơn vẫn là lòng dũng cảm. Lòng dũng cảo làm bật ra sức mạnh của tâm lý. Đây là nội dung quan trọng trong luận thuyết tập luyện của môn phái Thiếu Lâm Kim Cang Thiền.
Trích trong: Thiếu Lâm Chính Tông Liên Hoàn Tuyệt Cước, NXB Phương Đông, 2006
(ảnh chỉ mang tính minh họa)

2 comments: